Bạn đang đọc:
Gỡ điểm nghẽn thể chế: Từ đối thoại chính sách đến hành động thị trường
các trang Doanh Nghiệp
Bạn đang đọc:
Gỡ điểm nghẽn thể chế: Từ đối thoại chính sách đến hành động thị trường
Trong bối cảnh Nghị quyết 68 xác định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng, yêu cầu cải cách thể chế và cải thiện tiếp cận tín dụng ngày càng trở nên cấp thiết. Đây cũng là trọng tâm của tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân”, do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ngày 27/5/2025, với sự tham dự của hơn 50 chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp.
Tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực tư nhân” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Sự kiện thu hút hơn 20 cơ quan báo chí, cho thấy sức hút của vấn đề làm sao để các chính sách trọng yếu, như Nghị quyết 68 và 139, có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.
Các thảo luận tập trung vào ba nhóm chủ đề chính: tiếp cận đất đai, khơi thông tín dụng và hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo. Các đại biểu thống nhất rằng rào cản hiện nay không nằm ở thiết kế chính sách, mà ở khâu thực thi, cụ thể là thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch và thiếu các cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý.
Từ góc nhìn của tổ chức tài chính quốc tế, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, UOB Việt Nam, đã đưa ra ba khuyến nghị chính:
Ông Lim Dyi Chang chia sẻ về Nghị quyết 139/NQ-CP và xu hướng chuyển từ tuân thủ sang chủ động thúc đẩy tài chính xanh.
Thứ nhất, để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng. Với các ngân hàng thương mại, việc cấp tín dụng không đơn thuần là ưu đãi lãi suất, mà là quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Thứ hai, ESG và chuyển đổi xanh hiện nay không còn là chi phí tuân thủ mà đã trở thành điều kiện cạnh tranh bắt buộc. Khi chính sách đóng vai trò thúc đẩy ESG như một động lực tăng trưởng, thị trường sẽ có phản ứng chủ động và tích cực hơn.
Thứ ba, các định chế tài chính cần mở rộng vai trò từ đơn vị cung cấp vốn sang đối tác chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế và triển khai các mô hình kinh doanh tích hợp ESG. Tại UOB, các giải pháp tài chính xanh luôn đi kèm với tư vấn thiết kế khung tài trợ và hỗ trợ thực thi.
Tổng thể, tọa đàm không chỉ là nơi đối thoại chính sách, mà còn là tín hiệu của chuyển động thị trường, nơi thể chế và tài chính đang định hình lại hành vi kinh tế. Trong đó, các định chế tài chính đóng vai trò cầu nối then chốt, góp phần chuyển hóa chính sách thành hành động và ưu đãi thành tăng trưởng thực chất.