Trò chuyện cùng chuyên gia: Làm thế nào để quản trị dòng tiền hiệu quả? (Phần 2)

  • cashflow-management-2cashflow-management-2

Theo Cô, vì sao các chủ DNNVV cần phải hiểu rõ & sâu về Quản trị dòng tiền? Và các doanh nghiệp này thường gặp khó khăn thế nào khi không xây dựng kế hoạch Quản trị dòng tiền?

Dòng tiền và lợi nhuận không giống nhau. Về lâu dài, khi doanh nghiệp đã tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận và dòng tiền sẽ tạo nên dòng tiền vào, nhưng sự khác biệt quan trọng là thời gian. Thời gian có thể rất quan trọng cho một doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ: khi doanh nghiệp bán hàng và cho phép khách hàng trả chậm 30 ngày, doanh nghiệp ngay lập tức được ghi nhận doanh thu cho đơn hàng này. Đó gọi là kế toán dồn tích. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa nhận được tiền. Doanh nghiệp chỉ có tiền khi khách hàng trả tiền…Như vậy, có thể thấy doanh thu không đồng nhất với dòng tiền vào. Tương tự, khi doanh nghiệp nhập hàng để bán, doanh nghiệp trả tiền hàng, tuy nhiên dòng tiền ra này không được xem là chi phí cho đến khi doanh nghiệp bán hàng. Một trường hợp khá phổ biến ở các DNNVV là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng lợi nhuận lại vượt xa số tiền mặt thực tế nhận được. Loại tình huống này làm cho các DNNVV dễ bị cạn kiệt tiền mặt.

Lấy một ví dụ đơn giản như thế này, một doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhanh, tháng sau tăng gấp đôi tháng trước. Biên lợi nhuận chiếm 40% doanh thu. Kết quả kinh doanh có vẻ rất khả quan.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho phép khách hàng trả sau 30 ngày. Và đây là dòng tiền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có dòng tiền âm, mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh rất tốt.

 
Khi thiếu hụt tiền mặt, các DN lớn có thể dễ dàng huy động vốn trên thị trường tài chính, tuy nhiên, các DNNVV không dễ dàng như vậy. Khó khăn trong việc tiếp cận vốn là một trong những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng của các DNNVV. Và trong trường hợp này, nếu không có vốn tài trợ cho dòng tiền âm này, doanh nghiệp trên sẽ thất bại.

Vấn đề dòng tiền phát sinh trong một DNNVV vì hai lý do chính:

  • DNNVV không bán được hàng, không có doanh thu để trang trải các chi phí
  • Doanh nghiệp có doanh thu, có lợi nhuận nhưng không kiểm soát được dòng tiền. Doanh nghiệp không xây dựng được kế hoạch quản trị dòng tiền, không có các quy trình quản lý và quản lý tài chính nội bộ tốt để hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chạy theo doanh thu và không kiểm soát được dòng tiền, gặp khó khăn trong việc thu tiền, tích trữ quá nhiều hàng tồn kho…

Nhiều DNNVV chủ yếu tập trung vào lợi nhuận - trước hoặc sau thuế. Mặc dù dòng tiền và lợi nhuận đều quan trọng trong kinh doanh, nhưng như cha đẻ của quản trị hiện đại Peter Drucker đã nói “Nhiều chủ DN khởi nghiệp cho rằng lợi nhuận là quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ ở vị trí thứ hai. Dòng tiền là quan trọng nhất”. Dòng tiền là dòng máu của tất cả các doanh nghiệp. Cũng như máu trên cơ thể của bạn. Nếu bạn mất hết máu, bạn sẽ chết. Điều này cũng tương tự trong kinh doanh: không có tiền mặt và doanh nghiệp cuối cùng sẽ thất bại. Mặc dù một doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền âm trong một thời gian nếu có dự trữ tiền mặt dồi dào, hầu hết các DNNVV không có, do đó dòng tiền âm thường xuyên sẽ xóa sổ một doanh nghiệp.

Và như vậy, các DNNVV cần hiểu được dòng tiền và xây dựng, thực hiện kế hoạch quản trị dòng tiền. Nếu không xây dựng kế hoạch quản tị dòng tiền, doanh nghiệp rất khó có thể kiểm soát dòng tiền ra vào của mình và dự báo nhu cầu tiền mặt để có thể có kế hoạch tài trợ cho những thời điểm thiếu hụt dòng tiền.

 
Theo như chia sẻ của Cô, việc kiểm soát dòng tiền doanh nghiệp là rất quan trọng. Vậy các DNNVV cần lưu ý những vấn đề gì khi xây dựng kế hoạch Quản trị dòng tiền?

Như đã nói ở trên,các DNNVV thường nói rằng việc không thể kiểm soát dòng tiền là vấn đề lớn nhất của họ. Một chìa khóa quan trọng để quản trị dòng tiền hiệu quả là lập ngân sách và dự báo. Tất cả các doanh nghiệp - lớn và nhỏ - đều nên chuẩn bị một kế hoạch tài chính. Thông thường, các DNNVV nên lập kế hoạch ngân sách theo năm bao gồm dự đoán doanh thu và chi phí của doanh nghiệp hàng tháng. Từ nguồn này, các DNNVV sẽ có cơ sở số liệu liên quan đếnthu nhập và dòng tiền ra hàng tháng. Ngân sách dự đoán lợi nhuận của doanh nghiệp, trong khi dự báo dòng tiền dự đoán dòng tiền ròng. Trên cơ sở dự báo dòng tiền, DNNVV sẽ có kế hoạch gọi vốn cho các trường hợp thiếu hụt dòng tiền. Cũng giống như một cá nhân hoặc một gia đình, các doanh nghiệp cần một “chỗ dựa” về nguồn vốn. Điều này mang lại cho họ sự an toàn trong những khoảng thời gian kinh doanh không ổn định. Nó cũng cung cấp một cơ hội để tận dụng các khoản đầu tư chiến lược hoặc cắt giảm chi phí.

Khi gặp thiếu hụt tiền mặt, các doanh nghiệp thường có hai lựa chọn: hoặc huy động thêm vốn chủ sở hữu (tức là bỏ thêm tiền của mình vào), hoặc huy động vốn vay từ bên ngoài (ngân hàng, thị trường tài chính). Do hạn chế về việc tiếp cận thị trường tài chính, các DNNVV thường sử dụng vốn chủ sở hữu, ít sử dụng các nguồn vốn chính thức bên ngoài để tài trợ cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ có hạn, thiếu vốn khiến các doanh nghiệp không thể đầu tư mở rộng sản xuất, tăng năng suất, phát triển thị trường và tạo thêm việc làm.

 
Vay vốn được xem là một đòn bẩy tài chính. Bên cạnh việc cung cấp nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp, vốn vay cũng góp phần làm tăng khả năng sinh lời của doanh nghiệp, ngoài ra, chi phí lãi vay được xem là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế. Tuy vậy, theo nhiều khảo sát trên thế giới cũng như ở Việt Nam, rất nhiều DNNVV trả lời họ không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Theo kết quả khảo sát 996 doanh nghiệp Việt Nam (Enterprise Survey) của World Bank từ 2014 đến 2016, khó khăn về tiếp cận vốn được đánh giá là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 28,8% DNNVV khảo sát có sử dụng vốn vay ngân hàng. Khảo sát các doanh nghiệp không đi vay, kết quả cho thấy một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp trả lời do không muốn bị nợ và/hoặc cho rằng các khoản vay quá rủi ro. Điều này có thể gợi ý rằng các DNNVV có thể không nhận thức được lợi ích và việc sử dụng vốn vay hợp lý. Theo tôi, cần phải thay đổi nhận thức của các DNNVV về việc sử dụng vốn vay. Nếu sự ác cảm với các khoản vay này không được giải quyết, nó có thể là một trở ngại đáng kể cho sự tăng trưởng của các DNNVV, vì hầu hết các dự án mở rộng đều được tài trợ bằng vốn vay. Thông thường, lợi nhuận không đủ lớn để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng và việc chỉ dựa vào nguồn vốn nội bộ có thể kìm hãm sự phát triển của các DNNVV.

(còn tiếp)

Trong bài viết tiếp theo, các chia sẻ của cô Hoàng Anh sẽ giúp bạn hiểu vì sao DNNVV nên xem xét việc Vay vốn hỗ trợ từ ngân hàng cho hoạt động kinh doanh thông qua ví dụ so sánh về lợi nhuận đạt được. Ngoài ra, cô Hoàng Anh cũng đưa ra những lưu ý giúp DN tránh được rủi ro khi vay vốn hỗ trợ từ ngân hàng.

Nếu bạn có thắc mắc cần được giải đáp hoặc có câu hỏi gửi đến cô Hoàng Anh, hãy đặt để lại tin nhắn ngay dưới bài viết này, các chuyên gia của UOB sẽ phản hồi nhanh đến bạn.

Ý kiến

Nguyễn Đình Trọng, Kế toán

Trong nhiều các DNVVN ngoài việc quản lý tài chính lỏng lẻo ra thì việc vay vốn lệ thuộc vào sự uy tín của cá nhân giám đốc hoặc sự xoay sở của giám đốc nên nguồn vốn luôn bị động so với việc sản xuất hoặc bán hàng.

Nguyễn Trọng Nam, Giám đốc

Tiếp cận vốn của DNVVN là vô cùng khó và vay trả góp tại ngân hàng luôn là hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, suy nghĩ lối mòn về những tiêu cực khi trả lãi cho ngân hàng dẫn đến nhiều DNVVN bỏ qua việc vay trả góp, cũng chính là bỏ qua cơ hội phát triển.

Trinh Thu Hương, Trưởng phòng Marketing

Có rất nhiều các doanh nghiệp chết ngay khi đang kinh doanh có lợi nhuận bởi nguyên nhân của nó chính là việc quản lý nguồn tiền bị động.

Nguyễn Khánh Linh, Trợ lý Giám đốc

Các DNVVN nên tìm hiểu các gói vay phù hợp với mức lãi suất phù hợp nhằm giải quyết nguồn vốn những lúc cấp bách.

Trương Minh Hằng, Phó Giám đốc

Dòng tiền của doanh nghiệp được ví như máu quả không sai chút nào. Với các DNVVN, việc để cạn kệt tiền mặt là rất nguy hiểm. Nó sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển cũng như sản xuất bị đình trệ, dẫn tới sự xáo trộn trong việc quản lý doanh nghiệp.