Triển lãm các tác phẩm thắng giải UOB Painting of the Year năm 2023

  • Triển lãm các tác phẩm thắng giải Cuộc thi UOB Painting of the Year 2023Triển lãm các tác phẩm thắng giải Cuộc thi UOB Painting of the Year 2023

Thông tin Triển lãm

Triển lãm các tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam (2023) được tổ chức tại Hà Nội và Huế là sự tiếp nối thành công của triển lãm tại TP.HCM vào tháng 11.2023, với mục tiêu quảng bá mỹ thuật Việt Nam và mang tên tuổi các nghệ sĩ tài năng của UOB Painting of the Year đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Triễn lãm trưng bày 8 bức tranh thắng giải trong cuộc thi UOB Painting of the Year mùa đầu tiên tại Việt Nam, cùng các tác phẩm đặc sắc khác của chính 8 nghệ sĩ thắng giải này.

Các tác phẩm đa dạng về hình thức thể hiện như phun sơn xịt trên nắp capo, sơn dầu trên canvas và cà vạt, sáp dầu và đục lỗ… đồng thời nội dung của các tác phẩm truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc về con người, văn hóa và xã hội đương đại.

 

Triển lãm tại Hà Nội

 

Thời gian

 

Từ 8h30 đến 17h00
Thứ Bảy ngày 23/03 đến Chủ Nhật ngày 31/03/2024.

 

Địa điểm

 

Phòng Triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Triển lãm tại Huế

 

Thời gian

 

Từ 8h30 đến 17h00
Thứ Tư ngày 17/04 đến Thứ Ba ngày 30/04/2024.

 

Địa điểm

 

Bảo tàng Mỹ thuật Huế, điểm Lê Bá Đảng
15 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Thành phố Huế.

Các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm

8 tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the Year năm 2023 tại Việt Nam

 

Thủy Phủ - Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến

Giải thưởng UOB Painting of the Year, Hạng mục Nghệ sĩ thành danh

Thủy phủ (Water Palace) là hình ảnh của Nhà thờ lớn Hà Nội trong mưa in bóng trên kính xe ô tô, được người nghệ sĩ tái hiện trên nắp capô. Nhà thờ vốn được xây dựng trên nền tháp Báo Thiên của chùa Báo Thiên. Hai lớp che phủ, không gian lồng trong không gian, thời gian lồng thời gian – tạo nên tính siêu thực trong hiện thực. Tác phẩm suy tưởng và chất vấn về xung đột giá trị ẩn dấu trong dòng vận động của lịch sử và xã hội với công trình lịch sử được xây dựng bởi bàn tay con người vào dòng chảy vô thường của thời gian và kí ức.

Về tác giả:

Trịnh Minh Tiến đã theo đuổi trường phái cực thực bền bỉ từ nhiều năm nay. Với anh, vẽ là một hành động tự nhiên và xuyên suốt, như cách anh vẽ súng phun sơn bắt đầu từ một điểm và lan dần cho tới khi kết thúc và là phương tiện thức thời nhanh - mạnh nhất để người nghệ sĩ cất tiếng nói với thế giới. Đồng thời, việc sử dụng súng phun sơn trên vỏ xe ô tô cũng khẳng định sự độc đáo trong phong cách thực hành nghệ thuật của Trịnh Minh Tiến.

 

 

Hoạ Chúng Sinh #1 – Nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam

Giải vàng, Hạng mục Nghệ sĩ thành danh

Họa chúng sinh #1 (Beings Painting #1) mô tả bộ ba tác phẩm và mạng lưới dày đặc khuôn mặt con người, xâm lấn và ngột ngạt trong áp lực phát triển đô thị. Tác phẩm nghệ thuật bao gồm những khuôn mặt bầm tím trong các trận chiến, trẻ em trong chiến tranh, những người ăn xin thời trung cổ, những người khai thác than và những người vô tội đang vật lộn để sinh tồn trong một thế giới đầy phức tạp.

Về tác giả:

Những sáng tác của Phạm Trần Việt Nam trao gửi thông điệp nhân văn từ lòng trắc ẩn và rung cảm của anh trước bối cảnh xã hội, những điều trần ai trước mắt. Phạm Trần Việt Nam bị cuốn vào và chìm đắm trong suy tưởng về thời đại. Hội họa của anh mang tính điêu khắc-khâu, thêu, đắp-nối các mảng toan vào với nhau và đục lỗ trên toan trước khi vẽ chúng.

 

 

Hiện thực chậm lại – Nghệ sĩ Lại Diệu Hà

Giải Bạc, Hạng mục Nghệ sĩ thành danh

Hiện thực chậm lại (Decelerated Reality) như một cách lưu trữ lịch sử cá nhân, đặc biệt là những tác phẩm trình diễn của cô, được xử lí thật chậm trong toàn bộ quá trình sáng tác. Tác phẩm này tái hiện màn trình diễn Kim chỉ Bắc kéo dài (2019) của chính cô và tạo nên bản sắc mới. Bức tranh là kết quả của ba cấp độ sáng tạo: lấy cơ thể của người nghệ sĩ làm chủ đề, đi sâu vào nghiên cứu tâm lý kỹ lưỡng trong tiềm thức và cuối cùng chuyển nó thành một bức tranh.

Về tác giả:

Một “nghệ sĩ trình diễn cực đoan” là cách công chúng định vị Lại Diệu Hà trong hơn mười năm. Sau bốn năm ẩn mình thực hiện liệu pháp tâm kịch, Lại Diệu Hà trở lại với những tác phẩm hội hoạ như chặng tiếp theo trong việc xem xét những ranh giới của trình diễn là gì và nghiên cứu xã hội cũng như con người dưới góc nhìn tham chiếu từ trình diễn.

 

 

Thế giới – Nghệ sĩ Dương Ngọc Tuấn

Giải Đồng, Hạng mục Nghệ sĩ thành danh

Thế giới (World) sử dụng ngôn ngữ tạo hình biểu hiện và siêu thực trong một không gian trừu tượng, mơ hồ, được xây dựng bằng những nét cọ đơn sắc giàu biểu cảm. Tác phẩm thể hiện một bước rẽ đáng kể về mặt chủ đề ra khỏi những bức tranh tả thực yên bình đã gắn liền với thực hành của nghệ sĩ trong một thời gian dài.

Về tác giả:

Hoạ sĩ Dương Ngọc Tuấn đã hoạt động nghệ thuật từ hơn 20 năm nay với một tình yêu hội hoạ cháy bỏng. Anh đã thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa...

 

 

Trên con đường – Nghệ sĩ Tạ Duy Tùng

Giải Nghệ sĩ triển vọng nhất năm, Hạng mục Nghệ sĩ triển vọng

Trên con đường (Fly on my way) lấy cảm hứng từ đôi giày mà người nghệ sĩ thường mang trong thời đi học và đi làm trong kỳ nghỉ. Một chiếc giày thay cho một đôi để minh họa cách anh ấy vượt qua khó khăn và trở nên mạnh mẽ hơn. Sợi dây không buộc thể hiện bước đi không chắc chắn, nhưng chiếc giày lại bay lên thể hiện những gì tưởng rời rạc lại có thể trở thành phi thường. Phần hậu cảnh được giản lược thành một không gian phẳng, tối đẩy bật chủ thể và làm nổi bật tính siêu thực của hình ảnh.

Về tác giả:

Khuynh hướng nghệ thuật của Tạ Duy Tùng xoay quanh việc khắc hoạ những gì gần gũi, một cách tả thực và là biểu tượng cho những ý nghĩa trong tâm thức, tiềm thức và vô thức. Bên cạnh hội hoạ, anh đam mê võ thuật và triết lí phương Đông. Trước khi vẽ, anh thường ngồi thiền giống như cách chuẩn bị vào một trận đấu. Trong lúc vẽ, anh luôn nỗ lực để đạt tới trạng thái tốt nhất có thể của từng nét cọ và từng sắc độ màu.

 

 

Qua tĩnh lặng - Nghệ sĩ Lâm Phối Dung

Giải vàng, Hạng mục Nghệ sĩ triển vọng

Qua tĩnh lặng (Through Tranquility) là sự tiếp nối của nghệ sĩ trong việc khám phá các dạng không gian thay thế. Đó là ngưỡng cửa của tầm mắt - chào đón người xem về một không gian quen thuộc, gợi nhớ về một thời bình yên từng có. Bức tranh là một đoạn hồi ký và khám phá ký ức của một người không có khả năng tự vệ trước thời gian, nhưng vẫn đang cố đàm phán với thời gian – bằng việc làm chậm mình.

Về tác giả:

Lâm Phối Dung là một nhà thiết kế in ấn và nhà thực hành nghệ thuật thị giác. Cô yêu thích khám phá và tạo ra những tường thuật thay thế về đời sống trong thiên nhiên, vật chất và màu sắc – tương ứng với hành trình tự khám phá của cô. Cô thường sử dụng chuyện kể và thiên nhiên như nguồn cảm hứng bất tận làm cốt lõi trong cách thực hành của mình, tạo ra những không gian thay thế là nơi trú ẩn cho chính mình và khán giả.

 

 

Tính không – Nghệ sĩ Nguyễn Anh Vũ

Giải Bạc, Hạng mục Nghệ sĩ triển vọng

Tính Không (Śūnyatā) khắc họa một chàng trai trẻ với mái tóc đỏ, mang chút u sầu, nhẹ nhàng liếc nhìn người xem, hoặc từ người xem quay mặt đi hướng khác. Với cái nhìn này, người xem không còn là người xem nữa mà có thể bắt đầu cuộc trò chuyện với nhân vật. Hình dáng của chàng trai trẻ được chắt lọc thành đường nét và màu sắc, thu hút sự chú ý của người xem về chuyển động và ánh mắt của nhân vật, tạo nên một kết nối lâu dài. Người nghệ sĩ nhìn thấy chính mình trong nhân vật này – ban đầu miêu tả một người nào đó không phải là chính anh ta. “Tôi được tạo thành từ những gì không phải là tôi” và tác phẩm này là một công án thiền.

Về tác giả:

Nguyễn Anh Vũ là một nhà thiết kế đồ hoạ trẻ được đào tạo về tính đơn giản và tính chức năng. Bên cạnh thiết kế, anh có niềm đam mê với ngôn ngữ và lịch sử mỹ thuật – từ đó dẫn tới việc thực hành nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật của anh kết hợp với thiết kế đồ họa, sáp dầu và cắt giấy.

 

 

Lạc lối – Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Tăng

Giải đồng, Hạng mục Nghệ sĩ Triển vọng

Lạc lối (Lost) là lời kêu gọi chấm dứt hành vi tàn ác với động vật theo lối xa hoa. Thời trang xa xỉ đã phát triển mạnh và trở nên quan trọng đối với nhiều người. Bất chấp nhận thức ngày càng tăng và lời kêu gọi chung về thực hành đạo đức, các thương hiệu xa xỉ vẫn kiên trì theo đuổi lợi nhuận một cách tàn nhẫn trên sự tổn hại đến những động vật vô tội. Trong bức tranh là hình ảnh các loài bị săn bắn, những bộ lông bị tách ra khỏi cơ thể của những con thú vô tội, những mất mát về cảm xúc và cân bằng tự nhiên, các loài động vật trở nên điên loạn - sự cân bằng tự nhiên của hành tinh chúng ta chỉ có thể được khôi phục hoặc bảo tồn khi mọi hình thức sống đều được trân trọng và yêu quý.

Về tác giả:

Nguyễn Hữu Tăng là một hoạ sĩ tự do, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành sơn mài, thương mại và truyền thông trong nhiều năm. Phong cách của anh ấy là gợi ra ảnh hưởng của truyện tranh và phim hoạt hình từ thuở thơ ấu. Trong khi đó, đề tài sáng tác của anh nhằm tạo ra sự bức bối nhất định cho khán giả (trẻ) về các vấn đề xã hội đương thời.

 

Chùa bà Thiên Hậu – Trịnh Minh Tiến

Chùa bà Thiên Hậu mang lối kiến trúc cầu kì đặc trưng của người Hoa và có lịch sử lâu đời, toạ lạc trong trung tâm Chợ Lớn ở TP Hồ Chí Minh. Công trình có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng người Hoa ở Việt Nam và nổi bật cho sự du nhập và hoà hợp với văn hoá bản địa trong tiến trình phát triển của dân tộc. Trở thành một phần di sản quan trọng của thành phố.

 

 

Hoàng thành Thăng Long - Trịnh Minh Tiến

Hoàng thành Thăng Long được phản chiếu qua bóng nước trên kính ô tô và thể hiện bằng kĩ thuật súng phun sơn Airbrush trên nắp capo ô tô. Di sản có dấu ấn quan trọng trải dài rất nhiều triều đại lịch sử của dân tộc. Đây là một trong những công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất trong các di tích của Việt Nam.

Thông qua tác phẩm, Trịnh Minh Tiến muốn lưu giữ những kí ức, hình ảnh thông qua hội hoạ nhằm đưa đến người xem một cách thức tiếp cận, góc nhìn khác của một hoạ sĩ đương đại.

 

 

Phù Sinh #1 - Phạm Trần Việt Nam

Thông qua những biến động của thực tại, tác giả biểu đạt những đấu tranh của quy luật tự nhiên thông qua sự giằng xé đan xen bằng ngôn ngữ hội hoạ trừu tượng biểu hiện. Sự sống giữa con người với vạn vật được song hành trong một thực tại bất cân bằng. Nơi mà tác giả có thể đồng cảm bằng linh hồn của một con người.

Nhìn vào tác phẩm của họa sĩ, chúng ta như thấy những hỗn loạn của tự nhiên và sự sống được đan xen và kết nối, khi mà sự lụi tàn dần được thay thế bởi tái sinh. Sự trùng lặp vô hạn tạo ra những diễn biến của sự sống. Không chỉ dừng ở những lí niệm truyền tải, bởi chính cách thực hành của họa sĩ cũng chứa đựng những chất chứa ấy, sự tái cấu trúc tác phẩm của chính mình trong việc vẽ trên một tấm toan bình thường, cắt nát chúng và tái lập lại dưới một dạng thức khác.

 

 

Cúi Xuống Là Hoa - Lại Diệu Hà

Sự phân tách của hiện thực được biểu đạt thông qua hai diễn biến với hai trạng thái giống nhau được chia cắt trong tác phẩm. Cúi Xuống Là Hoa là sự chuyển biến bên trong những nội tâm của nhân vật nữ đang ngồi che mặt cúi xuống soi chiếu chính bản tâm mình, hoặc nó là sự trốn tránh với những phán xét của hiện thực xã hội. Sự thay đổi không biểu đạt cụ thể bởi hình tượng nhân vật nữ, mà ở sự chuyển đổi giữa sự sống và lụi tàn thông qua những tạo hình hoa giữa hai mảng kết nối. Có thể là sự tái sinh sau những ủ rũ.

 

 

Phía Dưới Làn Da - Lại Diệu Hà

Cũng như chuỗi những thực hành thể nghiệm của Lại Diệu Hà với tâm lý con người và chuỗi những tác động bản thể ở nhiều khía cạnh. Lại Diệu Hà chuyển biến ngôn ngữ biểu đạt, từ những tác động trực tiếp sang tác động gián tiếp, thẩm thẩu bằng chất liệu hội họa quen thuộc mà không làm mất đi tinh thần của thực nghiệm trình diễn.

Phía Dưới Làn Da là cuộc đối thoại với những hình bóng xa lạ về sự hiện diện của nguời bố vắng mặt, và cách chuyển biến thời gian được biểu đạt ở một góc độ lạ lẫm với sự lưu trữ bởi những chiếc móng tay. Một thứ cứng chắc, tồn tại song hành, được loại bỏ, tái sinh, loại bỏ và lưu trữ.

Câu chuyện được phát triển từ dự án dài hạn về những kí ức ẩn sâu, và vẫn còn tiếp diễn.

 

 

Bữa ăn của người máy - Dương Ngọc Tuấn

Đây là câu chuyện đang diễn ra ở xã hội chúng ta. Công nghệ hiện đại đang hỗ trợ con người nhưng cũng "thâm nhập" biến chúng ta thành những người máy vô cảm. Giá trị tinh thần đang bị coi nhẹ, con người xem nhẹ bản thân, thờ ơ với những người xung quanh. Bữa ăn của người máy đưa người xem đến câu hỏi lớn " Liệu chúng ta đang tiến lên hay đang thụt lùi ???”

 

 

Sự tồn tại của ý chí - Tạ Duy Tùng

Sự tồn tại của ý chí nảy sinh từ trải nghiệm cá nhân của tác giả khi đối mặt với những khó khăn đồng loạt trong cuộc sống. Bức tranh là một biểu tượng cho sự khó khăn và bất lực trong việc tìm ra hướng đi riêng. Khuôn mặt chia thành hai phần, một nửa mở và một nửa không hoạt động, tượng trưng cho sự mất mát và cảm giác bị bỏ rơi khi mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa. Một mắt mở biểu hiện ý chí nhỏ bé vẫn còn lại, trong khi tay cầm nến là biểu tượng cho hy vọng mong manh và mong mỏi. Tác phẩm là sự cất tiếng vượt qua khó khăn bằng cách đối diện, ý chí và hy vọng.

 

 

Kết nối thời gian - Tạ Duy Tùng

Đã bao giờ trong cuộc sống, chúng ta có những khoảnh khắc hay những kỷ niệm đẹp, mà chúng ta chỉ muốn sống mãi trong nó. Nhưng thời gian vẫn trôi và tất cả chỉ là quá khứ. Quá khứ làm nên chúng ta hiện tại, hiện tại làm nên chúng ta tương lai. Quá khứ, hiện tại, tương lai, xét cho cùng là một thể đồng nhất được trể hiện trong tác phẩm Kết nối thời gian.

 

Thức tỉnh - Tạ Duy Tùng

Trong cuộc sống, năng lực hay nỗ lực chỉ là một phần. Mọi việc, mọi sự cũng đã được ấn định sẵn vận mệnh,... Chúng ta đừng quá lo lắng về mọi thứ, chỉ cần làm tốt việc của chúng ta ngày hôm nay.

 

 

Một chuỗi cảnh quang ánh sáng - Lâm Phối Dung

Một chuỗi cảnh quang ánh sáng là một phần trong nghiên cứu của Lâm Phối Dung về sự sống trong Vương quốc Ánh sáng và những điều thơ mộng. Phong cảnh được tạo ra thông qua các giác quan và sự quan sát trong suốt thời gian và không gian khi cô đang ở một nơi nào đó xa xôi. Tất thảy, cảnh quan được tạo ra với ý tưởng ban đầu là tạo ra một bản in trên nền vải, sớm được cắt và ghép lại với nhau thành một câu chuyện có liên kết. Thiên đường, địa ngục, trời và đất, xa và gần, trong cái gì và một ai đó.

 

 

Bà tôi - Nguyễn Anh Vũ

Bà tôi là tác phẩm tưởng nhớ tới người bà quá cố của Nguyễn Anh Vũ, người đã sống qua những cuộc chiến khốc liệt và tang thương, bom đạn và sự chia lìa, nhưng đã luôn hết lòng cho gia đình yêu dấu của bà. Tác phẩm đặt ra câu hỏi liệu có phải nghệ thuật khiến cảnh sinh hoạt thường nhật trở nên lộng lẫy? Hay khung cảnh đời thường vốn dĩ đã tuyệt nhưng con người chúng ta thường không nhận ra thực tế này.

 

 

Tính linh bởi thế tục - Nguyễn Anh Vũ

Hán văn:

若以色見我

以音聲求我

是人行邪道

不能見如來

Hán-Việt:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.

Việt dịch bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh:

Tìm ta qua hình sắc

Cầu ta qua âm thanh

Là kẻ hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai.

Việt dịch bởi tác giả tranh:

Tìm tôi qua thân sắc

Kiếm tôi qua thanh âm

Là người đi lạc đường

Không thể gặp Như Lai.

(Trích kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền

Não (能斷金剛般若波羅蜜多經 , Năng Đoạn Kim

Cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh)

 

 

Du hành - Nguyễn Hữu Tăng

Bằng phương thức áp đặt, dần đồng hóa và chi phối làm thay đổi tính nguyên gốc của thiên nhiên, Du hành là phản ánh thực trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm, động thực vật nhiễm bệnh và biển đổi Gen. Tác phẩm đặt cho ta câu hỏi lớn: Liệu mọi thứ đang đi đúng hướng khi con người đang khám phá tiếp cận nhưng lại can thiệp và biến đổi tự nhiên?

 

 

Cánh cửa - Nguyễn Hữu Tăng

Cánh cửa mô tả trạng thái cảm xúc mà tác giả là một cá thể trong xã hội hiện tại, đang cố gắng lần tìm cho mình một lý tưởng, đức tin, ý nghĩa sự tồn tại trong xã hội mà "vật chất" luôn là thước đo. Hành trình vẫn tiếp diễn như ảo ảnh của hiện thực, mà mỗi cá nhân phải vượt qua tìm cho mình đích đến.

Cuộc thi UOB Painting of the Year là chương trình nghệ thuật hàng đầu của Ngân hàng UOB, lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào năm 1982 với mục tiêu công nhận các nghệ sĩ ở khu vực Đông Nam Á và mang đến cho họ cơ hội giới thiệu các tác phẩm của mình đến với cộng đồng rộng lớn hơn. Cuộc thi sau đó được mở rộng sang Indonesia, Malaysia, Thái Lan và năm 2023 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Đây là cuộc thi nghệ thuật lâu đời nhất tại Singapore và là một trong những cuộc thi danh tiếng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Kể từ khi ra đời cho đến nay, cuộc thi đã giúp phát hiện ra hơn 1.000 tài năng nghệ thuật trên toàn khu vực.

Qua năm đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ trẻ lẫn các nghệ sĩ chuyên nghiệp trên khắp cả nước. Cuộc thi đã vinh danh 8 nghệ sĩ Việt tài năng ở hai hạng mục Nghệ sĩ triển vọng và Nghệ sĩ thành danh, trong đó giải thưởng cao nhất UOB Painting of the Year đã thuộc về Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến với tác phẩm Thủy Phủ và giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm đã được trao cho Nghệ sĩ Tạ Duy Tùng với tác phẩm Trên con đường.

“Cuộc thi uy tín này là cơ hội tuyệt vời để các nghệ sĩ Việt thể hiện tài năng của mình và có cơ hội được công nhận trên thị trường nghệ thuật quốc tế, mang lại giá trị lớn hơn cho nền mỹ thuật Việt Nam.”- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

“Cuộc thi UOB Painting of the Year đã mang lại giá trị không chỉ từ góc độ cộng đồng, mà còn nuôi dưỡng các tài năng nghệ thuật tiềm năng, cũng như tạo động lực giúp nghệ sĩ phát triển nghề nghiệp và tỏa sáng trong khu vực, cũng như quốc tế.” – Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến chia sẻ.

“UOB Painting of the Year là cuộc thi có quy mô khu vực, tôi nghĩ đây là cơ hội để họa sĩ trong nước giao lưu học hỏi, cũng là bước đệm để hiểu thêm về nghệ thuật ở các quốc gia trong khối ASEAN. Giải thưởng từ cuộc thi là động lực rất lớn để các nghệ sĩ trẻ như tôi tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật của mình, nó đã đưa tình yêu nghệ thuật mãnh liệt ở tuổi 20 trở lại trong tôi, một điều mà tôi ngỡ đã quên lãng từ rất lâu.” – Nghệ sĩ Tạ Duy Tùng chia sẻ.

Bên lề cuộc thi UOB Painting of the Year, Ngân hàng UOB Việt Nam còn tạo điều kiện và đồng hành cùng các nghệ sĩ Việt Nam tham dự các sân chơi nghệ thuật khu vực, như việc đưa Nghệ sĩ Dương Ngọc Tuấn – giải đồng UOB Painting of the Year, Việt Nam tham dự Art Jakarta tổ chức tại Indonesia vào tháng 11 năm 2023, hay vào cuối tháng 3 năm 2024, Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến được Ngân hàng UOB Việt Nam tài trợ tham dự Art Central tổ chức tại Hồng Kong, nơi quy tụ rất nhiều các tài năng nghệ thuật trên khắp châu Á.

UOB Painting of the Year dự kiến sẽ khởi động năm thứ hai tại Việt Nam vào đầu tháng 5/2024, tiếp tục mang lại sân chơi hội họa cho các nghệ sĩ Việt đặc biệt là các tài năng chưa được khai phá có cơ hội được tỏa sáng và phát triển nghề nghiệp hơn nữa ở trong nước và khu vực.

Ngân hàng UOB bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật từ những năm 1970 với việc sở hữu bộ sưu tập tranh của các nghệ sĩ Singapore. Ngày nay, Bộ sưu tập Nghệ thuật của Ngân hàng UOB đã có hơn 2.600 tác phẩm, chủ yếu bao gồm các bức tranh của các nghệ sĩ tên tuổi và các nghệ sĩ triển vọng ở khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng UOB đóng một vai trò tích cực trong các cộng đồng trên toàn khu vực, đáng chú ý nhất là thông qua cam kết lâu dài đối với nghệ thuật. Là nhà bảo trợ nghệ thuật hàng đầu tại Châu Á, Ngân hàng tiếp tục mang nghệ thuật đến gần hơn với đông đảo khán giả thông qua một loạt các chương trình đa dạng về nghệ thuật thị giác, các mối quan hệ hợp tác và các sáng kiến ​​tiếp cận cộng đồng trên toàn khu vực.

Chương trình nghệ thuật hàng đầu của Ngân hàng UOB là Cuộc thi UOB Painting of the Year (UOB POY), lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1982 với mục tiêu công nhận các nghệ sĩ ở khu vực Đông Nam Á và mang đến cho họ cơ hội giới thiệu các tác phẩm của mình đến với cộng đồng rộng lớn hơn. Cuộc thi sau đó được mở rộng sang Indonesia, Malaysia, Thái Lan và năm 2023 được mở rộng sang Việt Nam. Đây là cuộc thi nghệ thuật lâu đời nhất tại Singapore và là một trong những cuộc thi danh tiếng nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Trải qua 42 năm triển khai, Cuộc thi đã ươm mầm và nâng tầm sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ tại Singapore. Đáng chú ý trong số đó là ông Goh Beng Kwan (người chiến thắng năm 1982), ông Anthony Poon quá cố (người chiến thắng năm 1983) và ông Chua Ek Kay (người chiến thắng năm 1991), người đã nhận được Huy chương Văn hóa Singapore, giải thưởng nghệ thuật cao quý nhất của Singapore.

Cuộc thi cũng đã công nhận những tài năng từ khắp khu vực thông qua giải thưởng UOB POY khu vực Đông Nam Á. Những người chiến thắng trước đó bao gồm Ông Prabu Perdana đến từ Indonesia năm 2020, Ông Anagard đến từ Indonesia năm 2019, Ông Suvi Wahyudianto đến từ Indonesia năm 2018.

Cùng với những người từng đoạt giải UOB POY trước đây, Ngân hàng UOB cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo nghệ thuật dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu đặc biệt. Tại các hội thảo này, các bạn trẻ được học các kỹ năng về nghệ thuật từ các chuyên gia nghệ thuật và các nghệ sĩ từng đạt giải thưởng.

Để ghi nhận cam kết lâu dài của Ngân hàng đối với nghệ thuật, Ngân hàng UOB đã được trao Giải thưởng Người bảo trợ Nghệ thuật Xuất sắc của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Singapore năm thứ 20 liên tiếp vào năm 2023.

Mọi thắc mắc, yêu cầu hỗ trợ hay lời mời hợp tác, vui lòng liên hệ: UOBPOYVN@UOBgroup.com