Thông báo quan trọng

    Ngày 27 tháng 06 năm 2019

    V/v: Cập nhật quy định pháp luật mới - Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26/06/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

     

    Kính gửi Quý khách, 

    Ngân hàng TNHH Một thành viên United Overseas Bank (Việt Nam) (sau đây gọi là “Ngân hàng UOBV”) xin cảm ơn Quý khách sử dụng sản phẩm và dịch vụ trong thời gian qua.

    Ngày 26/06/2019, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (sau đây gọi là “Thông tư 06”). Thông tư này hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam; chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn tại doanh nghiệp FDI.

    Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 06/09/2019, thay thế Thông tư 19/2014/TT-NHNN ngày 11/08/2014 về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, sửa đổi Thông tư 05/2014/TT-NHNN ngày12/3/2014 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước và bổ sung cho Thông tư 16/2014/TT-NHNN ngày 01/08/2014 về hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản Việt Nam đồng của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép.

    Bằng thông báo này, Ngân hàng UOBV xin tóm tắt một số điểm quan trọng của Thông tư 06 như sau:

     

    1. Điều chỉnh định nghĩa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (“doanh nghiệp FDI”):

    • Nhà đầu tư nước ngoài có định nghĩa rộng hơn so với quy định cũ. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài thay vì là chỉ người không cư trú theo quy định cũ.
    • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được định nghĩa theo hình thức liệt kê chi tiết hơn và tập trung vào tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài (1)
       
    (1) Theo Điều 3, khoản 2, Thông tư 06, doanh nghiệp FDI được định nghĩa như sau
    Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:
    a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
    b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
    (i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    (ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    (iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
    c) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

     

    Như vậy, kể từ ngày có hiệu lực của Thông tư 06, chỉ có những doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo định nghĩa của Thông tư 06 mới được phép mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (“tài khoản DICA”). Những doanh nghiệp hiện đang có tài khoản DICA nhưng không còn phù hợp với định nghĩa về doanh nghiệp FDI phải tiến hành đóng tài khoản DICA và nhà đầu tư nước ngoài có sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp này phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp (“tài khoản IICA”) trong các trường hợp sau:

    • Sau khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp hoặc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp FDI, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp FDI này xuống dưới 51%;
    • Sau khi doanh nghiệp FDI là công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

     

    2. Hướng dẫn chi tiết về giao dịch chuyển nhượng cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp FDI

    Việc thanh toán giá trị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp FDI được thực hiện như sau:

     

    Bên bán Bên mua Thực hiện chuyển nhượng cổ phần qua DICA Thực hiện chuyển nhượng cổ phần qua tài khoản thanh toán Định giá và thanh toán giá trị chuyển nhượng bằng VND Định giá và thanh toán giá trị chuyển nhượng bằng ngoại tệ
    Người không cư trú Người không cư trú Không bắt buộc Được phép Được phép Được phép
    Người cư trú Người cư trú Không bắt buộc Được phép Được phép Không được phép
    Người không cư trú Người cư trú Phải thực hiện qua DICA bằng VND Không được phép Được phép Không được phép
    Người cư trú Người không cư trú Phải thực hiện qua DICA bằng VND Không được phép Được phép Không được phép

     

    3. Quy trình chuyển đổi tài khoản vốn

    Chậm nhất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 06/09/2019 (tức đến ngày 06/09/2020), doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện chuyển đổi tài khoản DICA sang tài khoản tài khoản IICA và ngược lại như sau:

     

    #

    Đối tượng

    Quy trình chuyển đổi

    1

    Doanh nghiệp FDI (chưa có tài khoản DICA) có nhà đầu tư nước ngoài đã có tài khoản IICA để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên. 

    • Nhà đầu tư nước ngoài đóng tài khoản IICA;
    • Doanh nghiệp FDI mở tài khoản DICA để thực hiện hoạt động đầu tư.

    2

    Doanh nghiệp FDI đã có DICA và nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 51% vốn điều lệ (trừ trường hợp Doanh nghiệp FDI phải thực hiện thủ tục cấp và đã có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư).

    • Doanh nghiệp đóng tài khoản DICA;
    • Nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản IICA để thực hiện hoạt động đầu tư.

    3

    Doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng có nhu cầu và đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.

    4

    Doanh nghiệp FDI có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

     

    Trường hợp doanh nghiệp FDI đang thực hiện việc vay, trả nợ nước ngoài thông qua tài khoản DICA thì được tiếp tục duy trì tài khoản này cho mục đích vay, trả nợ nước ngoài. Trong thời gian thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú sở hữu cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đó được tiếp tục sử dụng tài khoản DICA hiện có để thực hiện giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

    Kính đề nghị Quý Khách lưu ý rà soát để thực hiện việc chuyển đổi tài khoản vốn trong thời hạn quy định nhằm đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

    Trên đây là một số điểm quan trọng mà Quý Khách có thể tham khảo và để có đầy đủ thông tin liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, xin Quý Khách vui lòng tham khảo Thông tư 06. Nếu Quý khách cần sự hỗ trợ hoặc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc thực hiện Thông tư này xin vui lòng liên hệ Chuyên viên quan hệ khách hàng của Quý Khách để được tư vấn và hỗ trợ.

    Trân trọng,

     

    NGÂN HÀNG TNHH MỘT THÀNH VIÊN

    UNITED OVERSEAS BANK (VIỆT NAM)