4 lý do doanh nghiệp nên quan tâm đến sức khỏe của nhân viên

  • quan tâm đến sức khỏe nhân viênquan tâm đến sức khỏe nhân viên

Điểm chính

  • Những doanh nghiệp có chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện về thể chất và tinh thần cho nhân viên thường dễ thu hút nhân tài và giữ chân nhân viên.
  • Với những nhân viên hạnh phúc và khỏe mạnh hơn, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu tình trạng vắng mặt và tình trạng làm việc khi đang bị ốm.
  • Sự gắn kết của nhân viên được gia tăng sẽ thúc đẩy năng suất và lợi nhuận kinh doanh.
     

Một doanh nghiệp vững mạnh cần có những nhân viên giỏi. Các chi phí dành cho nhân viên là chi phí kinh doanh và cần được quản lý kỹ càng, nhưng hãy nhớ rằng doanh nghiệp của bạn không thể thành công nếu nhân viên không ở tình trạng tốt nhất. Vậy, làm thế nào để bạn, người thuê họ làm việc, có thể thực hiện được điều đó?

Cách tốt nhất để nhìn nhận về nhân viên là không đánh giá các khoản chi tiêu dành cho họ mà nên xem họ như các tài sản sinh lời. Không nên xem các khoản tiền dành cho chăm sóc sức khỏe và các chương trình lợi ích cho nhân viên là khoản chi. Thay vì vậy, bạn hãy xem đây là các khoản đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái những phần thưởng trong tương lai.

Đây là 4 lý do bạn nên chăm sóc sức khỏe của nhân viên để họ có thể chuyên tâm làm việc cho doanh nghiệp của bạn.
 

1. Thu hút và giữ chân những người tài năng nhất

Chúng ta thường cho rằng điều quan trọng nhất đối với người lao động là tiền lương. Tuy nhiên, lương bổng lại không phải là ưu tiên lớn như bạn vẫn nghĩ.

Theo một khảo sát mới từ Vietnamworks1 về “Những yếu tố người tìm việc quan tâm đối với một thương hiệu tuyển dụng”, “Chất lượng công việc và cuộc sống” là yếu tố quan trọng không kém Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, Văn hóa và giá trị cốt lõi và Phúc lợi nhân viên.

Có đến 67% số người tham gia khảo sát trên cho rằng vấn đề “Chất lượng công việc và cuộc sống” là “quan trọng” hoặc “hoàn toàn quan trọng”. Trong đó, tiêu chí “chương trình chăm sóc sức khỏe và thể chất tốt” được 34,2% đánh giá là “hoàn toàn quan trọng” và 35.8% đánh giá là “quan trọng”.

Một chương trình lợi ích sức khỏe có thể tăng uy tín cho một công ty. Một số khảo sát2 cho thấy rằng, 89% nhân viên cho rằng công ty có chương trình chăm sóc sức khỏe tốt là nơi lý tưởng để làm việc. Và đây cũng là yếu tố khiến họ sẵn lòng giới thiệu công ty mình là nơi làm việc lý tưởng đến những người khác.

Chương trình sức khỏe cũng giúp giữ chân nhân viên hiệu quả. Một báo cáo đã cho thấy, những người thuộc thế hệ millennials (người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) xem những phúc lợi này là chìa khóa để đi hay ở một công ty nào đó.

2. Giảm tình trạng vắng mặt

Tình trạng nhân viên nghỉ bệnh có thể làm giảm năng suất và gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp. Một chương trình lợi ích y tế chặt chẽ cho nhân viên có thể giúp giảm thiểu thất thoát. Chương trình sức khỏe khuyến khích những thói quen lành mạnh, và những nhân viên khỏe mạnh có khuynh hướng mang lại năng suất cao hơn. Thêm vào đó, những lợi ích như chích ngừa vắc-xin cúm hay tầm soát sức khỏe hàng năm nằm trong chương trình phúc lợi cho nhân viên còn có thể giúp giảm tình trạng vắng mặt bằng cách đảm bảo sức khỏe nhân viên được kiểm tra.

Nếu bạn đang thắc mắc mình sẽ nhận lại gì từ khoản đầu tư này? Theo một nghiên cứu của chính phủ tại Mỹ3, cứ mỗi USD được dùng cho chương trình sức khỏe sẽ giúp tiết kiệm gần 6 USD nhờ giảm được chi phí cho sự vắng mặt của nhân viên.

3. Giảm tình trạng làm việc khi bị ốm

Một vấn đề ít được chú ý hơn là tình trạng nhân viên vẫn đi làm khi đang bị bệnh. Một số nhà tuyển dụng sẽ cho rằng điều này giúp tăng năng suất, nhưng đó là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. Tình trạng này còn tệ hơn việc nhân viên vắng mặt.

Cứ tưởng tượng rằng nhân viên của bạn sẽ vào công ty trong khi đáng lẽ họ phải tĩnh dưỡng ở nhà. Không những họ không thể làm việc ở tình trạng tốt nhất mà còn có nguy cơ làm lây lan bệnh cho đồng nghiệp. Những nhân viên bị bệnh có thể phạm các sai lầm và họ cũng làm việc ở mức năng suất thấp hơn.

Vì sao các nhân viên lại có mặt tại chỗ làm bất chấp việc họ đang bị ốm? Một nguyên nhân có thể đến từ yêu cầu công việc. Với những kỳ vọng cao, nhân viên có thể sẽ cảm thấy họ cần tiếp tục làm việc ngay cả khi thấy không khỏe. Một nguyên do khác có thể là do thiếu “an ninh việc làm”. Theo khái niệm của Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) thì “an ninh việc làm” chính là “bảo vệ người lao động khỏi những biến động về thu nhập do mất việc làm”. Việc thiếu an ninh việc làm có thể dẫn đến việc người lao động vẫn đến nơi làm việc để thực hiện những cam kết đối với công việc của mình.

Một cách giải quyết vấn đề này là xây dựng một môi trường làm việc hỗ trợ cho nhân viên, giúp họ có thể yên tâm khi biết rằng trách nhiệm của họ có thể được san sẻ bởi các đồng nghiệp khi cần. Quan trọng hơn nữa, các doanh nghiệp có thể thực hiện các chương trình sức khỏe toàn diện để giúp khuyến khích nhân viên chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.

4. Tăng sự gắn kết của nhân viên

Trong môi trường công việc, stress được xem là một vấn đề sức khỏe đáng chú ý. Không phải doanh nghiệp nào cũng bỏ ra những nỗ lực để giảm stress tại nơi làm việc.

Một yếu tố góp phần làm tăng mức độ stress là sự gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Lạm phát y tế tại Việt Nam4 đang ở mức cao nhất trong khu vực, lên đến 14.2%, điều này dự báo các chi phí y tế sẽ tăng cao trong thời gian tới. Những người lao động, đặc biệt là người lao động cao tuổi đang thực sự lo lắng về điều này. Vấn đề stress liên quan đến chăm sóc sức khỏe này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết của nhân viên và năng suất lao động.

Nghiên cứu toàn cầu được thực hiện bởi Gallup5 (công ty chuyên thực hiện các cuộc khảo sát và phân tích dữ liệu) cho thấy rằng mức độ gắn kết của nhân viên là một thước đo quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp có mức độ gắn kết của nhân viên cao hơn thì năng suất đạt được cũng cao hơn 147% so với những doanh nghiệp có mức độ gắn kết thấp. Đó là một khác biệt lớn!

Điều này có nghĩa rằng, mức độ gắn kết càng cao thì cơ hội thành công của doanh nghiệp càng lớn. Bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của nhân viên, bạn không chỉ giúp cải thiện chất lượng sức khỏe thể chất và tinh thần của họ mà còn đang giúp đỡ chính doanh nghiệp của mình. Bằng cách đầu tư vào sức khỏe thể chất của nhân viên, doanh nghiệp không chỉ củng cố kết quả kinh doanh sau thuế mà còn đóng góp vào việc tạo ra một văn hóa làm việc tích cực vì lợi ích của tất cả mọi người.